VỊ PHARAOH DỄ CHỊU NHẤT (Phần 2)

Thôi miên tiền kiếp thấy mình là một Pharaoh. Điều này có thật không? Chúng ta nhận ra được gì từ trải nghiệm này? 

Mời các bạn đọc lại phần 1 tại đây.

Ở Phần 2 này chúng ta sẽ cùng chủ thể tìm hiểu những điều quan trọng rút ra được từ kiếp sống Pharaoh đó.

NHỮNG BÀI HỌC CUỘC ĐỜI

Em thấy cuộc đời đó thiếu trải nghiệm quá, vô nghĩa quá. Dù rằng có những thứ cảm giác như đạt đỉnh, như là lên vị trí cao, nhưng mà em không thấy nó có ý nghĩa gì. Nếu em sinh ra làm con nhà thường dân thì liệu sẽ như thế nào ta? Nếu em là con của người bán hoa quả ở trong chợ thì em sẽ có nhiều việc để làm trong một ngày hơn là ngồi hành lang gặm trái cây. Thay vì em phải học và có mẹ đút trái cây bên cạnh thì em tự quan sát được, có thể gặp gỡ các cô bạn hàng xóm thay vì nhìn cảnh chị gái mình đi nơi khác. Em thấy nó sẽ vui hơn dù nó cực khổ hơn. Em vẫn có cơ hội gặp vị thầy kia thôi vì người đấy cũng sẽ đi mua trái cây.

Bài học cuộc đời là … trải nghiệm sự vô nghĩa … chỉ là vậy thôi. Để em biết rằng không phải cứ giàu có cao sang là hạnh phúc. Tiềm thức muốn cho em nhìn thấy cuộc đời đó tại vì em từng nghĩ rằng nếu giàu sang thì cuộc đời sẽ dễ dàng biết bao, nên em muốn trải nghiệm cuộc đời đó. Nhưng trải nghiệm xong thì em thấy nó cũng như nhau à. Nếu mình cứ phó mặc cuộc đời mình thì dù mình nghèo hay giàu đi chăng nữa, thì nó cũng sẽ vô nghĩa. Bởi vì em cứ nghĩ điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài sẽ quyết định hạnh phúc của mình. Giống như em nghĩ rằng có chị em ở bên thì em sẽ vui. Nhưng thực ra là em đã vui ở ngay trong cái giây phút em ngắm nhìn cái kim tự tháp rồi. Nhưng mà em muốn tìm kiếm nhiều hơn nữa, em trở nên tham lam, và em đã không tin vào cái giây phút hạnh phúc kia, em đã không tin vào chính mình, nên mới thấy sự vô nghĩa này. Thực ra hạnh phúc rất là đơn giản. Nó không cần điều kiện gì bên ngoài cả. Mình càng tìm kiếm ở bên ngoài thì mình càng xa rời hạnh phúc chân thật ở bên trong. Trời ơi, em sống cả một cuộc đời chỉ để thấy sự vô nghĩa …. (thở dài ….). Em thấy tiếc nuối cuộc đời đấy …. Cái ngày mà chị em đi lấy chồng á, thay vì em ghen tức, nếu mà em cầu nguyện cho chị ấy hạnh phúc thì có lẽ là nó đã tốt đẹp cho cả em và chị ấy rồi. Và kể cả cha em cũng thế. Đáng lẽ là ông ý … bởi vì thực ra mục tiêu của ông ý không phải trở thành Pharaoh, ông ý vốn dĩ đã có quyền lực rồi, nhưng ông ấy lại không tự tin, ông ấy cảm thấy bây giờ nếu cho con mình lên thì quyền lực của ông ấy cũng tốt hơn … hờ (cười … mỉa mai) … cuối cùng ông ấy cũng đánh mất cái việc ấy. Kể cả mẹ em cũng vì cái hành động đó mà bị liên lụy á. Trong khi tất cả mọi thứ có thể hạnh phúc ngay từ đầu rồi…. (ngậm ngùi)… Em thấy tội nghiệp quá (cho những người trong cuộc đời đó). Không phải tất cả bọn họ đâu, chỉ có em, với bố em thôi á (xụt xịt … ngậm ngùi). Em cảm thấy bây giờ em cũng như vậy á. Em cũng đi tìm kiếm ở bên ngoài. Nhưng mà lần này em tìm kiếm sự giúp đỡ hay niềm vui ở bên ngoài với mục đích hướng vào bên trong á. Chứ không như trước kia tìm kiếm một cách vô thức luôn.

Luôn luôn có những lựa chọn tốt hơn ở trong cuộc đời đó. Giống như là em rất tôn trọng những di sản của các đời pharaoh trước. Đáng nhẽ sau khi mở rộng đất đai, vẫn có thể tiếp quản việc làm kênh để dẫn nước vào trong thành phố, cho mùa màng, thì sẽ có nhiều vùng để trồng lương thực hơn. Nếu như em có thể làm điều đó thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn nữa, nhưng em lại bị suy sụp sau việc đi xâm chiếm họ. Em cũng chọn cái chết lãng xẹt luôn.

Ở trong cuộc đời đó, có người hạnh phúc là cậu bé con chủ tiệm bán trái cây, cái người mà em đã nghĩ là nếu em là cậu ấy. Mẹ em cũng đã từng rất hạnh phúc cho đến khi mà bà ấy bị chết cháy.

Có lẽ vì thế nên hiện tại em rất trân trọng những người lao động. (Một đoạn hội thoại khác).

Năm em mất đi là năm 148 trước công nguyên.

Ông thầy và người mẹ, người cha là em đã gặp lại ở thực tại. Mẹ thì em không biết. Cha là cha em. Thầy thì không xuất hiện ở hình dạng người.

Sau khi bạn rời khỏi kiếp sống pharaoh thì bạn đã gặp lại vị thầy ở thế giới linh hồn và người thầy đó dẫn bạn đi tiếp các hành trình khác, trong đó có Trái Đất.

CÁI KHÔNG

Đây là lần đầu tiên mình gặp một vị Pharaoh nên mình đã chủ ý khai thác nhiều thông tin về đời sống sinh hoạt, đặc điểm ngoại hình, tính cách, thành tựu của vị này cũng như các đặc điểm khác của đời sống xã hội thời đại đó với hi vọng tìm ra được manh mối nào đó của họ trong lịch sử. Rất may mắn, bạn chủ thể có khả năng ngôn ngữ rất tốt nên bạn mô tả rất chi tiết rõ ràng. Thế nhưng cũng buồn cười là mặc dù các thông tin đến với bạn rất cụ thể như vậy, bạn vẫn không khỏi nghi ngờ những gì bạn thấy. Thế là cuối cùng thầy bạn cho bạn trải nghiệm một trạng thái là tuy bạn ý thức được cơ thể vật lý bạn đang nằm trên giường, nhưng bạn đồng thời cũng thấy bạn như là các hạt phân tử tách, giãn ra, như là chúng đang dịch chuyển theo các rung động cô đặc rồi giãn ra rồi cô đặc. Nếu bạn từng đọc truyện tranh Songoku về phép Dịch chuyển tức thời thì có thể hiểu nôm na sự dịch chuyển xuyên không là do các hạt cấu thành nên cơ thể thay đổi từ trạng thái rung động đặc, chậm, kết dính sang thành rất nhanh, giãn ra, bớt kết dính và rồi lại chuyển thành đặc, chậm, kết dính. Nhưng với bạn chủ thể thì nó lại lửng lơ nên nó làm cho bạn cảm thấy căng và khó chịu, giống như người thì ở đây mà tâm trí lại ở chỗ khác. Trải nghiệm này để thầy nhắc bạn phải học với cái Không.

Cuối cùng thì bạn cũng nhận ra được cái Không. Ở cái Không này thì bạn thấy là yêu hay ghét cũng như nhau bởi vì nó vẫn là có một cái gì đó, so với cái Không. Khi bạn ở Trái Đất và thấy Trái Đất xinh đẹp thì bạn yêu Trái Đất. Khi bạn ở một hành tinh khác khô cằn, sỏi đá, bạn thấy nó nhàm chán. Nhưng nếu ở cái Không thì bạn lại thấy yêu cả cái hành tinh khô cằn kia bởi vì tuy nó không như Trái Đất nhưng nó vẫn là có cái gì đó. Bạn nhận ra nó không có màu xanh như Trái Đất nhưng loại đá có vân ở đây có lẽ ở Trái Đất sẽ có giá trị rất cao vì quý hiếm. Sở dĩ bạn bị bắt học về cái Không vì bạn cứ kỳ vọng trải nghiệm thôi miên phải là cái gì đó cao siêu, nên bạn không chấp nhận cái sự bình thường và không chấp nhận kiếp sống Pharaoh mà bạn vừa thấy (vì bạn thấy nó vô nghĩa quá). Hóa ra kiếp sống đó còn là học về cái Không nữa, như là lúc bạn là pharaoh chỉ đứng ngắm cái Kim Tự Tháp là đã hạnh phúc rồi, mà xem xong kiếp sống đó bạn lại khó chịu về nó mà không nhận ra rằng xem được kiếp sống đó đã là có một cái gì đó, so với việc Không có gì rồi.

Bạn nhận ra vì bạn không là gì cả thì bạn có thể là tất cả. Bạn có thể là bất cứ một cái ý nghĩa nào đó mà bạn lựa chọn. Nhưng bạn lại luôn nhanh chóng thấy bạn thiếu thốn vì bạn cứ cô đặc mình lại. Còn khi bạn là một đốm sáng (đây là lúc bạn rời khỏi kiếp sống Pharaoh và trở về thế giới linh hồn) thì bạn có thể giãn ra, giãn ra bất tận luôn, rồi tan biến luôn, hòa vào trong tất cả.

Ở trong khoảnh khắc này thì dù ý thức của bạn còn đôi chút tò mò về chuyện của bạn với cha mẹ, người yêu, liên hệ kiếp trước ra sao, nhưng bạn hoàn toàn thấy chúng không còn quan trọng nữa; bởi vì tất cả mọi tổn thương, sự được yêu thương hay không được yêu thương cuối cùng vẫn là một cái CÓ – vẫn là một trải nghiệm so với cái KHÔNG – không có gì hết. Người thầy của bạn cũng tan biến, hòa vào trong tất cả nhưng bạn biết là thầy luôn luôn ở đó quan sát mình.

GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Quay trở lại với việc bạn cảm thấy căng và khó chịu. Đó là vì bạn không giữ nguyên 100% ở một góc nhìn nào cả vì ý thức của bạn còn nhiều nghi hoặc. Giống như là chúng ta rất ít khi 100% ở trong trạng thái hiện tại, cơ thể vật lý ở đây nhưng đầu óc lại nghĩ xa xăm phương nào. Mình dẫn bạn trải nghiệm trạng thái 100% ở một góc nhìn. Thế là bạn quay về tuổi thơ, khi bạn còn nhỏ, nằm trên bãi cỏ, giữa rừng bạch đàn, cỏ may cao ngang đầu khi bạn nằm xuống, gió thổi mát và lá xào xạc. Bạn nhận ra cả mùi bạch đàn trong gió. Cảm giác đó y hệt như lúc vị Pharaoh đứng trên đụn cát nhìn về phía Kim Tự Tháp, hạnh phúc khi đang là một phần của cái toàn thể. Trong khoảnh khắc này, chẳng còn cái tôi nữa, chẳng còn tôi là ai gì nữa, đơn giản là hiện diện trọn vẹn thôi.

Mình xin khép lại câu chuyện này tại giây phút hiện tại này. Kết thúc ca mình đã chia sẻ với bạn rất nhiều thứ từ góc nhìn của mình. Bây giờ thì mình quên hết rồi. Thôi mình không kết luận gì nữa, bạn nhận ra hay chưa nhận ra được gì từ câu chuyện này, đó vẫn là cái Có của bạn.  

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *