CHỐN NƯƠNG NÁU

Chữa lành vết thương tâm hồn, xây dựng sự kết nối sâu sắc từ bên trong

 
Tất cả mọi vật trên đời đều cần một chốn nương náu. Chốn ấy không phải là một nơi chốn, một địa điểm, mà là một trạng thái an toàn, ấp ủ, dưỡng sức, tin tưởng. Giống như gấu kiếm ăn suốt mùa hạ thì cần hang để ngủ đông; như hạt mầm trước khi bung lụa phải trú ẩn ở trong đất, như cây to bị gió quật gãy cành thì còn gốc rễ bám sâu bên dưới; như lục bình trôi sông dù lênh đênh thì rễ cũng phải bám vào mặt nước. Không gian tạo thành một nơi gọi là Nhà, nhưng chỉ có tình thương mới biến nó thành Tổ Ấm. Nhà không bao giờ thành Tổ Ấm nếu nơi đó thiếu tình thương, thiếu sự an toàn, thiếu sự lắng nghe và chia sẻ. Hai hay nhiều đối tượng riêng lẻ không bao giờ gắn kết được với nhau nếu thiếu những yếu tố này.
 
Hồi còn đi học, mình có một người bạn vừa học giỏi lại vừa khéo léo và nhiều tài lẻ nên mình thích đến gần bạn. Nhưng có một thời gian mình không muốn đến gần bạn ấy nữa vì không hiểu sao mình cảm thấy áp lực quá. Sau đó mình mới phát hiện ra mình thấy áp lực bởi vì bạn ấy chưa bao giờ khen mình một câu nào, nhưng hay nói mình phải thế nọ phải thế kia, mệt ơi là mệt. Một thời gian sau mình mới chơi lại với bạn. Đấy là lúc mình quyết định, thôi khỏi cần bạn phải khen mình chi hết, thích chơi thì chơi thôi. Lúc đó mình thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
 
Nếu bạn đã từng trải qua một tuổi mới lớn chỉ muốn bỏ nhà ra đi, chỉ muốn có một cái không gian riêng để không có ai đi qua liếc bạn một cái, nói xéo bạn một cái, rồi lôi ba cái chuyện xa lắc lơ nào ra để bêu rếu bạn, đấy là lúc bạn đang ở trong “một trạng thái nhạy cảm hơn bình thường” và đang ở trong một căn nhà nhưng không cảm thấy nó là tổ ấm.
Nếu bạn đã trải qua một giai đoạn khó khăn của mối quan hệ lứa đôi, đến mức bạn chỉ muốn ở lại công sở càng lâu càng tốt để ít phải giáp mặt nhau, lúc đấy mối quan hệ không cho bạn cảm giác an toàn và ấm áp nữa, không còn cái để bạn muốn bám rễ vào nữa.
Nếu bạn đã từng trải qua tình huống bị sếp đứng sau lưng soi nhất cử nhất động, bạn cũng sẽ không thấy thoải mái; trừ khi bạn có khả năng tập trung cao độ đến mức không còn bận tâm ai đang nhìn mình. Nếu không cảm giác khó chịu và thấy cấp trên thiếu tin tưởng mình là điều thường xảy ra.
 
Có một chủ thể nữ rất trẻ, vừa mới sinh em bé đầu lòng thì chồng ra đi đột ngột trong một tình huống hết sức bình thường, không thể tin được. Cả nhà nội và nhà ngoại đều rất thương hai mẹ con nhưng vô tình lại tạo áp lực quá lớn cho bạn. Con phải ăn cái nọ cái kia đi; con phải thương con của con chứ; con phải biết nghĩ cho bố mẹ chồng con chứ. Bạn nói với mình, bạn chỉ mong có vài giờ được yên thân một mình thôi mà sao khó quá.
 
 
Nếu bạn nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc vui vẻ, bạn có biết bạn nhớ đến chúng bởi vì cái gì không? Tại sao vẫn đối tượng đấy, có lúc đi với họ vui thế, có lúc lại rất buồn? Tại sao vẫn món ăn theo công thức đấy, có lúc ăn rất ngon, có lúc ăn cũng vẫn ngon nhưng không thấy quyến luyến? Tại sao Tết ngày xưa lại vui hơn Tết bây giờ? Bởi vì cái gắn kết và đọng lại lâu hơn trong bạn là cái “không khí”. Tất cả những gì chúng ta làm, mà không tạo được cái không khí để chúng ta bám rễ được vào, để nương náu thì sự gắn kết chỉ ở trên một bề mặt rất nông. Và chúng ta lại hay nhầm tưởng rằng phải có một đối tượng cụ thể để ta bám rễ nên ta lại đi tìm đối tượng mới mà không chú tâm xây dựng cái “không khí”.
 
Để xây dựng cái “không khí” này, mỗi cá nhân cần một khoảng để thở, một vùng trời riêng nơi mà từ đó họ có thể phát triển những nhận thức riêng, nội lực riêng. Giống như khi mình quyết định, thôi mình không cần bạn phải khen mình nữa, mình thích chơi thì mình chơi thôi thì mình thoải mái và không quay sang dằn vặt khó chịu với bạn. Và cũng cần mỗi người biết cách xây dựng một không gian chung an toàn và tin tưởng nữa. Bạn có kỹ năng này càng sớm thì càng tốt, bởi vì không một ai trên đời giống nhau hoàn toàn. Sự giống nhau là tiền đề để mang chúng ta gần lại; nhưng cách ta ứng xử với sự khác nhau mới quyết định ta có ở gần nhau lâu không.
 
Bạn có thể bắt đầu xây dựng cái không khí, cái chốn nương náu này bằng những câu hỏi hay đề nghị như thế này và hãy thay đổi ngôi xưng hô cho phù hợp:
– Đây có phải là điều bạn thực sự muốn không?
– Có việc gì bạn cần mình giúp không?
– Có điều gì bạn muốn nói với mình không? Muốn mình lắng nghe bạn không?
– Bạn có cần ở một mình một lúc không?
– Mình sẽ để bạn yên tĩnh một lúc và mình sẽ quay lại sau, hoặc bạn có thể gọi mình khi bạn cần.
– Bây giờ mình cần ở một mình/ mình cần yên tĩnh một lúc. Chúng ta nói chuyện sau nhé.
 
Ta có thể không ăn, không uống, không làm việc một thời gian mà vẫn sống được. Nhưng nếu thiếu cái “chốn nương náu” này, cuộc sống sẽ trở nên quá áp lực và mất dần ý nghĩa. Xin biết ơn mọi điều đã xảy ra để ta biết cách sống cho cuộc đời đẹp và dễ thở hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *