NGẠO MẠN

Vị thầy tâm linh và một bài học cuộc đời. 

Một chủ thể nữ tự nhận bản thân rất thông minh, rất giỏi, từ bé đến lớn đạt rất nhiều giải thưởng học tập danh giá. Chị có thể hiểu và học mọi thứ cực nhanh, và chị nói chị mang một sự kiêu ngạo rất lớn, luôn nhìn mọi người xung quanh bằng nửa con mắt. Thế nhưng chị luôn gặp khó khăn về mặt tiền bạc vì không có khả năng kiểm soát tiền bạc tốt và đôi khi đang hợp tác dang dở mà chị cảm nhận đối tác đang lợi dụng mình thì chị cũng rút luôn. Chị thông minh và không kiên nhẫn nên làm được cái gì tương đối xong là giữa chừng chị sẽ nhanh chán. Vì vậy việc kinh doanh của chị chưa bao giờ đến đầu đến đũa. Chị có một người mẹ cực kỳ kiểm soát, khiển trách và lúc nào cũng nói chuyện tiền nong và chị nhận ra cách chị cư xử với các con đang bị vô thức ảnh hưởng từ cách mẹ đối xử với chị. Bù lại chị có một người chồng cực kỳ thương vợ, thương cả những tổn thương của chị và luôn tin tưởng vào sự tốt đẹp bên trong chị. Trong ca thôi miên, chị thấy ba cuộc đời khác nhau, trong đó anh phải đi làm ăn xa nhà để trả nợ.còn chị vì quá nhớ chồng, mất liên lạc nên luôn là người đi tìm chồng. Tiềm thức muốn nhắc chị trân trọng sự hiện diện của chồng ở cuộc đời hiện tại, khi mà anh luôn tự nguyện không rời bỏ chị; và dùng chính cái sự kiên định, kiên nhẫn đi tìm chồng năm xưa để kiên định, kiên nhẫn hơn trong công việc. Đối với mối quan hệ với mẹ, tiềm thức dẫn chị trở về quá khứ, ngày mẹ chị còn trẻ, thấy mẹ thương và dạy dỗ chị nhiều thứ, thấy mẹ động viên chị học tập, thấy mẹ làm việc vất vả để kiếm tiền, thấy mẹ vui vẻ, cười nhiều, dịu dàng, thay vì những ký ức mẹ mắng chửi mà chị luôn mang theo. Chị thấy cảnh bà nội mắng mẹ, khiến mẹ khóc, rồi bố lại nghi ngờ, phán xét mẹ làm mẹ tủi thân. Mẹ mong chị nhanh lớn để tâm sự với chị để chị hiểu; nhưng sau này chị lớn, mỗi khi chị làm gì sai, mẹ lại nhớ đến lúc bà nội mắng mẹ nên mẹ mắng chị. Chị cảm thấy mẹ bị dội lại cảm xúc cũ từ việc bà mắng, không kiểm soát được nên mới chửi mắng, đánh đập chị. Mẹ muốn dùng thành tích học của chị để chứng minh với mọi người là mẹ chị rất giỏi, rất thành công trong việc nuôi con. Góc nhìn đó khiến chị xoa dịu cảm xúc căm ghét với mẹ; thông cảm với mẹ hơn. Đồng thời chính áp lực từ sự kỳ vọng của mẹ lên chị khiến cho chị có sự liều lĩnh trong kinh doanh, tự tạo áp lực nhanh thành công để khoe với mẹ, mang cho mẹ niềm vui và như vậy thì chị càng mất tiền nhiều hơn. Chị nhận ra không cần phải vội vàng, phải làm gì để chứng minh nữa, chỉ cần làm việc có ích thôi.

Vị thầy tâm linh cho chị thấy chị đang ở một không gian có rất nhiều người ngồi như đang ngồi thiền, chị ngồi trên một cái ghế – kiểu ghế bậc thang của giảng đường hay nhà hát, mở rộng về phía trên và thu hẹp về phía sân khấu, và tất cả các bậc ghế đều xoay liên tục bởi vì nếu chúng đứng yên thì chị sẽ chỉ nhìn thấy mỗi vị trí của chị. Bố mẹ và chồng chị cũng đang ở đó, nhưng trông mẹ chị cực kỳ khắc khổ. Thầy nói mẹ chị rất khổ, và thầy giao cho chị việc làm mẹ không được khổ nữa, với trí tuệ mà chị được cho thì người đầu tiên chị phải giúp là mẹ chị. Bố và chồng đi cùng chị để giúp mẹ chị. Các bậc ghế tiếp tục xoay khiến chị chóng mặt và vì chúng xoay nên chị mới có thể nhìn thấy người ngồi ở tất cả các vị trí khác, trong đó có tất cả những người chị đã gặp, rất nhiều người giỏi hơn chị. Thầy nói phải cho ghế xoay như vậy để chị nhìn thấy tất cả, vì chị quá ngạo mạn. Có nhiều người giỏi hơn chị rất nhiều, ngồi trên những ghế cao hơn, nhưng chị chỉ luôn nghĩ mình giỏi nhất rồi, nên thầy phải cho ghế xoay liên tục. Khi chị bảo thầy sẽ bớt ngạo mạn, để thầy dừng xoay ghế thì thầy lại cho chúng xoay tít hơn. Khi hỏi về việc tại sao trong công việc chị hay gặp những người lợi dụng chị, thì chị thấy họ cũng ngồi hết ở đó. Thầy nói tất cả đều tu chưa đủ nên xuống dưới đó mà luyện với nhau. Thầy nói chị tu không tới nên chị ngồi cùng hàng với họ, chị cũng không tốt như thế nên chị phải ngồi cùng hàng với họ để nhìn lại mình. Thầy sắ. Nếu người tu cao hơn chị thì họ bỏ chị, nghĩa là họ cho chị nghỉ một cách gián tiếp. Còn người thấp hơn chị thì chị rời người ta. Thầy cho gặp rất nhiều vì mãi chị không tu học được, không đến nơi đến chốn, chị chỉ giống những người mà chị đang rời bỏ và không bằng những người đã cho chị nghỉ để chị biết chị phải tu tiếp, giống như có một pháp mà thầy cho học đi học lại mãi mà chị chưa học được. Đó là bài học về sự kiên nhẫn. Chị chưa học được tính kiên nhẫn. Thầy bảo chị cứ cậy mình được cho sự thông minh, ưu tú, không kiên trì nên thầy sẽ cho học đi học lại đến khi nào xong thi thôi. Cuối cùng thì thầy cũng cho ghế ngừng xoay. Thầy bảo chị bớt ngạo mạn đi, phải khiêm tốn, học hỏi. Ôi chị ngạo mạn quá, chị ngồi ở cái ghế thấp lắm mà chị nhìn tất cả mọi người ở trên chị bằng nửa con mắt, xong rồi nhìn những ngưởi ở dưới mình thì không chịu giúp đỡ. Thầy bảo cho chị sự thông minh xong chị làm hỏng hết, không chịu tu thì thầy sẽ lấy lại. Thầy bảo thầy sai rồi, đáng lẽ phải cho dần dần thì lại cho hết, cho học giỏi quá thì nó ngạo mạn, xong lại không kiên trì nên thành người thất bại. Thầy phải dạy lại từ từ, bắt chị học lại từ từ. Thầy bảo mấy đứa trẻ con nhà chị rất thông minh lắm, chị phải bỏ tính coi thường bọn nó đi. Bọn nó ngồi ở ghế trên chị đấy, thế mà chị vẫn coi thường, nên thầy mới ghép chúng ở với chị. Thầy đã giúp hết rồi, cho chị sức khỏe tốt, gia đình riêng tốt, để chị không phải lo và chỉ tập trung học bài học kia.

Cá nhân mình thấy bài học này rất giá trị với bản thân mình và với số đông trong giai đoạn phần lớn chúng ta bị áp lực phải thành công nhanh chóng, phải chứng tỏ bản thân nên thiếu đi tình yêu thực sự và sự kiên trì với những gì ta làm. Trong không gian gia đình, đây cũng là một bài học giá trị để không tạo áp lực kỳ vọng lên con cái, dẫn đến sự kiểm soát và hà khắc quá đà, và dưới góc nhìn của mình, việc học với động lực là niềm vui thích tự thân thì luôn dẫn đến khả năng tự học, tự phát triển suốt đời và luôn lành mạnh hơn việc học vì thành tích, vì sự kỳ vọng của người khác. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *