NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU

Bạn có thể áp dụng góc nhìn của bài viết này vào nhiều kiểu quan hệ khác nhau. Nói chung bạn thường đặt sự chú tâm và chăm sóc vào ai thì mối quan hệ đó sẽ mang cho bạn nhiều nhức nhối nhất, làm trồi lên những nỗi khổ đau sâu nặng từ đáy lòng bạn và khiến bạn phải nỗ lực nhất. Thường nó là quan hệ tình cảm lứa đôi vì thế gian khó ai thoát được lưới tình, hehe; nhưng nó cũng có thể là mối quan hệ với cha mẹ, con cái, người thân, tri kỷ, bạn bè.
 
Trong mối quan hệ nặng lòng ấy, ta vốn nhầm tưởng rằng nuôi dưỡng tình yêu là ta phải săn sóc họ, hiểu họ, quan tâm họ nghĩ gì, cảm thấy gì, nói những lời hay ý đẹp, chăm chút họ từ đầu đến chân, mua cho họ cái nọ cái kia. Ta thường bị lao vào cái vòng xoáy ấy như một con thiêu thân cho đến một ngày ta mất kết nối với bản thân, và trong ta đầy rẫy những suy nghĩ và cảm xúc đối lập và hết sức tiêu cực, ta mất đi niềm vui và héo mòn như một cái cây khô thiếu nước. Hóa ra, nuôi dưỡng tình yêu cần phải khởi đầu từ việc chăm sóc bản thân để mình luôn có đủ nhựa sống và đơm hoa trái, trước khi mang hoa trái đi hiến dâng cho người, bởi vì ta không thể cho cái ta không có, và không thể cho đi nhiều cái ta không có nhiều.
 
Mình chưa đủ công lực để luôn thường trực sinh đẻ hoa trái sòn sòn và xuất khẩu hoa trái thành công ^^. Thỉnh thoảng mình vẫn cho người thương lẫn người dưng ăn vài phát đại bác thần công khi mình đang thiếu chất bôi trơn tăng cường sinh lực từ trong ra ngoài. Nên nếu ai lỡ bị tui quăng bom nhầm, theo kiểu, tui đang muốn bùng cháy và có nhiều bom chờ nổ đây, thì ngàn lần cho em xin nhỗi ạ. Còn sau đây là những điều bé tí teo mà mình đã ngộ ra trong lúc vun trồng cái cây tình yêu ở trong mình.
 
TÌNH YÊU, HÓA RA KHỞI ĐẦU TỪ CÁI THÁI ĐỘ
 
Cái thái độ ở đây là cái tâm, cái ý. Một cái tâm ý đang không ở trong tình yêu thì nó rất thô, rất cứng, rất hời hợt, thiếu kiên nhẫn và thấu hiểu; và dù cho khổ chủ có cố che giấu bao nhiêu thì nó vẫn cứ lồ lộ ra đấy, toát ra trong từ ngữ, trong hành động, trong cái thái độ và sắc thái cảm xúc thể hiện trong lời nói, cử chỉ.
 
Ở trong tình yêu thực sự, đó là một thái độ khiêm nhường, cái tâm, cái ý của sự nuôi dưỡng; như là dòng nước vậy, đôi khi mềm mỏng, vỗ về, đôi khi dữ dội và kiên định nhưng nó luôn luôn mang sắc thái của sự nuôi dưỡng, cho đi, chăm sóc trong sự khiêm nhường nhưng không mất đi lòng tự tôn. Có lẽ chỉ có nước mới có đủ mọi sắc thái để diễn tả một thứ vừa động vừa tĩnh, vừa mềm lại vừa cứng như thế. Mình không phải là nam giới nhưng mình nghĩ rằng nó là thế cho tất cả mọi giới tính; vì nó là cái tồn tại trong bản chất thiêng liêng, thần thánh của mỗi chúng ta. Nó là sự sống, là thượng đế, là chúa trời. Ở trong tình yêu đó, không có chủ thể hay đối tượng yêu; không có tôi, không có bạn; hoặc là nó chả có ai cả, hoặc là có tất cả; vì ở đó không có sự tách biệt.
 
Bất cứ khi nào, với bất cứ một ý nghĩ hay cảm xúc khởi lên trong đầu hay trong lòng bạn, hay bất kể một phản ứng vô thức của bạn trong lời nói và hành động, mà lúc tĩnh lại, bạn nhận ra rằng bạn đã bị bật ra khỏi cái thái độ, cái tâm, ý này; hãy hiểu rằng khoảnh khắc đó bạn bị bật ra khỏi tình yêu mất rồi. Hãy mau mau quay trở lại đó và thường trực ở trong đó.
 
Tình yêu ở đây là một trạng thái của tâm thức; không phải lời nói, không phải hành động. Nhưng có rất nhiều hành động ở trong đời sống hàng ngày mà một cách tự nhiên chúng dẫn bạn đến trạng thái đó. Nên nếu bạn để ý kỹ thì bạn sẽ thấy cái trạng thái đó, ngay khi bạn đang gánh nước, bổ củi, ăn, ngủ, ị và làm tình, hehe. Ví dụ, đó là khi bạn chăm sóc nhiệt thành một cái cây, một con vật nuôi, một đứa trẻ – những thứ không hề biết nói lời cảm ơn, và thường thì chẳng phản hồi gì ngay, hoặc có thể làm ngơ bạn như tập tính vốn có của chúng. Đó là khi bạn lau dọn bàn làm việc một chiều cuối năm, hay lau chùi những món đồ xưa cũ, nâng lên đặt xuống, nâng lên đặt xuống, ngắm nghía, chăm chú, rồi lại nâng lên đặt xuống. Đó là một đêm yên tĩnh lặng nghe tiếng thở đều đều của người yêu dấu bên cạnh, và xúc động biết bao nhiêu khi cuộc đời mang đến cho tôi vật báu này, tôi ước sao sẽ được đồng hành và nâng đỡ cùng nhau dài lâu. Nếu mà sống quá nhanh, quá vội thì không nhận ra được mấy cái này đâu, hihi. Nhưng tóm lại là, nó là một cái dòng chảy của sự sống, nó luôn luôn ở đấy, rất điềm nhiên, rất kiên nhẫn qua hàng vạn vạn năm ánh sáng, thiên thu triệu triệu kiếp, bởi vì nó biết sớm hay muộn bạn sẽ nhận ra được nó thôi. “Hello, is it me you’re looking for???”
 
Có lẽ, tốt nhất nên nhận ra cái dòng chảy thiêng liêng này ở trong ta trước, để ta có một điểm neo lại, một nơi bình an để trú ẩn, một nơi mà ta luôn đủ đầy; trước khi ta mang danh vì tình yêu mà xông pha ra ngoài rồi lỡ hồ đồ quăng bom người khác và chính bản thân mình. Nhưng cuộc sống muôn màu, thôi thì đôi khi cứ làm cảm tử quân quăng bom rồi thành thương binh liệt sỹ đi thì mới biết đi tìm nơi trú ẩn. Dẫu sao cũng đã thương binh liệt sỹ nhìu đời rầu ^^. Nói vui vậy thôi chứ cứ game over bỏ nhiều mạng thế hơi phí. Mất công một lần xuống nhân gian, hãy làm một lần cho hoành tráng =))))
 
NHỮNG GÌ CHẢ PHẢI TÌNH YÊU
 
TRONG TÌNH YÊU THỰC SỰ, KHÔNG CÓ QUYỀN LỰC, KHÔNG CÓ VAI VẾ. TẤT CẢ ĐỀU XỨNG ĐÁNG
 
Trong tình yêu thực sự, trong sự sống thiêng liêng, không có vai vế, mọi thứ ngang hàng và bình đẳng, tất cả là một mắt xích kết nối sự sống và cũng chính là sự sống. Không có sâu bọ thì cũng đếch có chim muông. Một thằng tèo thì tất cả cùng tèo. Giống như kiểu mẹ đánh con thì lòng mẹ cũng xót ý, không sung sướng gì đâu. Nhưng những gì hủy diệt tình yêu thì thích quyền lực, thích vai vế. Vậy bất cứ khi nào, bạn khởi lên những ý nghĩ, những lời nói và hành động nhân danh cái gì đấy, thì thôi rồi, nó đếch phải từ tình yêu đâu:
– Bố Mẹ làm thế để tốt cho Con. Nếu con không làm thì con không phải là con ngoan. Vợ làm thế để tốt cho Chồng. Chồng phải như thế này thì vợ mới yêu. Em là người yêu anh thì em phải thế nọ thế kia mới xứng là người yêu của anh được. Thôi đi, không có Con thì cũng đếch có Bố Mẹ đâu; không có Chồng thì cũng đếch có Vợ đâu, vv. Trạng thái này lâu dần sẽ dẫn đến thái độ đòi hỏi, kiểm soát, phán xét, và coi những điều hiện tại đang có là nghiễm nhiên. Đúng là trong các mối quan hệ, người ta cần làm cho nhau cái nọ cái kia để được yên tâm, được đảm bảo nhu cầu cá nhân, để thắt chặt mối quan hệ nhưng nếu không làm sẽ không được yêu thì đó không phải là tình yêu. Trong tình yêu, mọi thứ đến từ sự tự nguyện, sự sẵn lòng. Yêu đủ thì tự nhiên sẽ thích làm, sẽ sẵn lòng làm và làm mà cảm thấy ít phải nỗ lực vì làm trong trạng thái vui vẻ.
 
Tương tự thế, bất cứ khi nào bạn khởi lên dòng suy nghĩ giống như bạn đang ở trên cao nhìn xuống người mình yêu, chiếu cố để họ bước vào đời sống của bạn; thậm chí ngược lại, nếu bạn cảm thấy bạn giống như chuột sa chĩnh gạo vào cuộc đời họ, phải nỗ lực để họ yêu bạn và không rời bỏ bạn; chúng đều không phải là các trạng thái của tình yêu. Những tâm ý này lâu dần, ngày qua ngày sẽ dẫn đến thái độ coi thường của bạn dành cho họ, hoặc thái độ cho bản thân là gánh nặng của họ. Cả hai thái cực này đều rất mệt mỏi và nới rộng khoảng cách cả hai bên. Tình yêu thực sự, ngược lại, bê tất cả lại gần nhau, không có khoảng cách địa lý, tuổi tác, địa vị.
 
 
TRONG TÌNH YÊU THỰC SỰ KHÔNG CÓ SỰ TRỪNG PHẠT, KHÔNG CÓ DẠY CHO AI BÀI HỌC.
 
Lòng vị tha, sự kiên nhẫn, sự kiên định, nuôi dưỡng, xây dựng là những đặc tính của tình yêu. Trong tình yêu hoàn toàn có sự kỷ luật và nghiêm khắc khi cần thiết nhưng không phải sự hà khắc đến cay nghiệt. Một lúc nào đó bạn cảm thấy không hài lòng về họ, thậm chí bị tổn thương đến mức bạn muốn tự tổn thương bạn thêm để người kia phải hối hận vì việc họ đã làm cho bạn; hoặc theo kiểu chính bạn đã gây ra cho tôi như thế này nên đây là cái giá bạn phải trả; bạn phải chịu những cái này để bạn sáng mắt ra, và ta hả hê thấy họ như vậy thì đó là lúc ta đang nuôi dưỡng nhầm cái tôi sân si rồi. Lâu dần tâm lý nạn nhân này sẽ khiến tất cả các bên đều mệt mỏi, kiệt sức.
 
Ngược lại, là tâm lý kể công và muốn được sự ghi nhận từ đối phương hoặc đòi hỏi sự công bằng đáp trả. Khi ta đã làm rất nhiều cho đối phương mà đối phương không những không ghi nhận, lại còn phàn nàn, ta sẽ thấy chán, không muốn làm nữa, bỏ bê, không chăm sóc cây tình yêu. Nếu cả hai bên đều trong trạng thái như vậy thì khoảng cách sẽ càng xa dần. Vì thế tốt nhất hãy thể hiện sự ghi nhận khi mình thực sự ghi nhận những cố gắng của người kia. Hoặc cùng ngồi xuống đối thoại để biết nhu cầu mong muốn của cả hai để khớp lại cái cho đi và cái nhu cầu. Cho phép mình được tạm nghỉ một chút nếu mình thấy mệt nhưng đừng để mình chán quá lâu. Hãy nhớ rằng mình làm vì mình muốn làm, vì mình thấy vui khi làm thì đó là động lực bền bỉ nhất. Và vì mình làm do mình muốn làm nên đừng kể công nhé. Sự công bằng chỉ là tương đối, tự mình thấy rằng mình chỉ muốn làm và vui khi làm ở mức độ này là đủ rồi. Quá nữa là không vui nữa thì thôi. Kể công hay trừng phạt đều là những hạt giống của sự mất cân bằng, và chúng sẽ chỉ trồng lên được một cái cây méo mó.
 
TRONG TÌNH YÊU THỰC SỰ, BẠN THẤY ĐỦ VÀ KHÔNG CÓ NHU CẦU TÌM KIẾM THÊM
 
Trong tình yêu mà bạn có đủ hết tất cả những rung động, trải nghiệm, được đáp ứng đủ tất cả những nhu cầu cần thiết nhất; hoặc là bạn đã bôn ba đủ trải nghiệm thời trẻ trâu rồi nên biết bạn cần cái gì trong một mối quan hệ yêu đương nghiêm túc, thì bạn sẽ rất ít khi rung rinh bởi những cái mới lạ, vì với bạn chúng không mới lạ nữa. Bạn sẽ nhận ra rất nhanh những ý nghĩ hay rung động đầy cám dỗ; nhưng đồng thời cũng biết được cái gì tiến được và không tiến được. Cái cảm giác có cái bí mật tí hon nảy lên trong đầu, ý nghĩ và hành động lén lút nó rất chi là hấp dẫn một cách kích động. Nhưng nếu bạn chưa bao giờ thử làm một cái gì đó lén lút kích động và sau đó nhận ra, hầu hết chúng đều dẫn đến những kết cục hết sức ngu si, và mất rất nhiều công sức về sau để hoàn trả về trạng thái gần như cũ (hiếm khi được như cũ), thì bạn sẽ rất muốn thử đấy. Cái này mình gọi đùa là trẻ không ăn chơi, già ân hận. Nếu bạn muốn trải nghiệm, thôi thì cứ trải nghiệm trước ở những thứ ít quan trọng với cuộc đời bạn cho hậu quả bớt nặng nề..
 
Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ yêu đương, mà vẫn thấy mình bị rung rinh, khát khao bởi một cái gì đó khác, hãy xem chúng là dấu hiệu cho thấy những nhu cầu nào đó của bạn chưa được đáp ứng. Vậy hoặc là bạn cần nghiêm túc đối thoại với người trong cuộc về cái nhu cầu của bạn để tìm cách cân bằng chúng; hoặc là bạn phải tự điều chỉnh lại bản thân; hoặc là bạn phải chấp nhận đến với một đối phương khác phù hợp hơn. Nói chung bạn càng biết rõ ràng bạn muốn gì, cần gì trong một mối quan hệ thì bạn không cần phải ép mình vào một cái khuôn không vừa với bạn và lại cứ phải nhìn ngó ra bên ngoài.
Chúng ta không hoàn hảo và chúng ta luôn thích sự mới mẻ, nên bất kỳ lúc nào, ta đều có thể thấy một ai đó đẹp hơn, tốt hơn, hay ho hơn người hiện tại. Nhưng nhận ra như vậy, để rồi làm gì tiếp thì tùy thuộc vào mức độ nhận thức, trải nghiệm của bạn và tình trạng của mối quan hệ hiện tại. Đâu đó viết rằng, bản năng giống đưc là có càng nhiều em yêu càng tốt, còn bản năng giống cái là chọn ra anh yêu chất lượng nhất. Nên nếu chưa có cam kết gì thì thôi cứ cho phép bản năng bay bay đi một tí cho đến khi thấy nó cũng đau đầu ghê, ahihi; còn đã có cam kết rồi thì phải học cách biết chấp nhận, biết đủ, biết vui và biết vun trồng cái mình đang có. Dù sớm hay muộn thì bạn cũng phải học cách thấy đủ thôi, bởi vì bạn cũng đâu có chọn được con cái. Nuôi con mình nhưng lại cứ nhìn vào con nhà người ta thì mệt lắm, hihi.
 
Khi nào ta biết vun trồng cái cây tình yêu này thì nó đẹp lắm luôn. Yêu sẽ chuyển sang thành vừa yêu vừa thương. Ai ăn nấy biết, ai tu nấy chứng, nên ai chăm vun trồng thì người đấy được hưởng. Tự họ đã là tình yêu, là tình thương rồi nên dù mối quan hệ có ra sao, ai đến, ai đi thì tình yêu thương vẫn ở đấy và ai cũng được hưởng lây.
 
Tóm lại, bài viết muốn nói rằng, cái cây tình yêu trước hết phải đặt ở chính bản thân mình, trong thái độ, tâm ý của mình rồi mới đến những gì biểu hiện ra bên ngoài và làm cho người khác. Giống như một thói quen phải rèn giũa, hãy để ý bản thân trong đời sống hàng ngày, trong những tương tác với người xung quanh, đặc biệt với người ta thương và trong lúc ở một mình, hãy soi ra những gì ở trong ta khiến cho ta bị bật ra khỏi trạng thái yêu thương, và rèn giũa ta những thói quen mới để nuôi dưỡng tình yêu này, trước khi ta đủ nội lực để đi thương người khác. Bất cứ khi nào ta nhận ra các dấu hiệu mất cân bằng, hãy chấp nhận chậm lại một chút để cân lại chính mình càng sớm càng tốt, nếu không tự ta sẽ nới thêm khoảng cách với người ta thương và lâu dần sẽ toang.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *