TÔI KHÔNG ĐỦ TỐT

Bài viết thuộc chuỗi bài Yêu Bản Thân.

Không biết gia đình hay bạn bè nghĩ về mình như thế nào, chứ nhìn lại bản thân, mình thấy mình đã thay đổi cực kỳ nhiều – từ một người hay nghĩ quẩn, nghĩ những cái không cần thiết; sang một người chọn suy nghĩ đơn giản hơn; từ một người hay ngồi lặng lẽ trong đám đông và sợ sai khi cất tiếng nói sang một người vẫn thích ngồi lặng lẽ trong đám đông nhưng sẵn sàng nói khi muốn nói. Thực ra, cùng là con người, chúng ta giống nhau cả, ở khía cạnh là chúng ta đều trải qua những trạng thái hỉ nộ ái ố nhưng mỗi người sẽ ở trong đó với tần suất ít hay nhiều, mức độ nặng hay nhẹ; và có những trạng thái không tồn tại đơn lẻ mà kéo theo cả một bộ sậu. Vì thế nếu là một người đang thường xuyên trong trạng thái “suy nghĩ nhiều, nghĩ quẩn, nghĩ những thứ không cần thiết”, bạn cũng rất dễ thường xuyên ở trong trạng thái “Tôi không đủ tốt” – mà bạn không biết bạn đang như vậy. Nếu vậy, bài viết này dành cho bạn.

1. HAY SO SÁNH BẢN THÂN VỚI NGƯỜI KHÁC

Mình thấy việc so sánh bản thân với người khác bản chất chẳng có gì sai. Đôi khi việc nhìn vào người khác đang làm gì, đang có gì sẽ mở ra hàng vạn câu hỏi rất thú vị; ví dụ như “Họ đã làm gì để họ được như hôm nay?”, “Điều gì ở trong họ dẫn dắt họ như vậy?”, “Tôi có thực sự muốn hay không muốn có trải nghiệm như họ đang có không”, “Tôi phải làm gì hay không làm gì để giống họ/ không như họ?” Khi các dòng suy nghĩ của bạn đi theo hướng này, bạn cảm thấy giống như bạn đang đọc một cuốn sách và thấy có rất nhiều ánh sáng lóe ra trong đầu, nhiều hướng đi mở ra trước mắt.

Nhưng nếu không cẩn thận thì các dòng suy nghĩ sẽ quay về tấn công bạn giống như một kẻ đầy yếu kém, thất bại, mong manh. Lúc này bạn sẽ thấy có các dấu hiệu như sau:

– Bạn cảm thấy rất mệt mỏi, nặng nề cả về tinh thần lẫn cơ thể vật lý sau những giờ suy nghĩ

– Bạn có cảm giác muốn xa lánh cái người mà bạn đang so sánh vì cảm thấy bị lu mờ, vô giá trị khi ở cạnh họ. Xa lánh ở đây có thể làm cảm giác ngại, sợ khi phải nói chuyện với họ, đối mặt với họ. Thậm chí bạn cảm thấy bạn phải cạnh tranh, giành giật lợi ích nào đó khi bạn ở cạnh họ nếu không thì họ sẽ dễ dàng lấy mất chúng.

– Bạn cảm thấy ghen tị khi nghĩ về họ hoặc khi có ai đó khen ngợi họ trước mặt bạn. Nếu đây là người thân trong gia đình, hay là bạn trai, bạn gái, bạn đời của bạn thì cảm giác này càng dễ bị kích thích cao độ, và trong cơn kích động, bạn dễ dàng phủ nhận toàn bộ giá trị mà đối phương mang lại cho bạn.

– Bạn rất dễ nổi nóng và khó chấp nhận những lời nhận xét về cá nhân bạn, những câu hỏi “Tại sao …. về bạn”, cho dù những lời này chỉ mang tính chất là nhận xét, góp ý và được truyền đạt một cách nhẹ nhàng; bạn cảm nhận chúng như những lời chỉ trích mà hoàn toàn không để ý rằng đối phương đang không truyền đạt chúng với thái độ chỉ trích.

– “Có tật giật mình” – tức là một câu chuyện chẳng liên quan đến bạn, nhưng bạn nghe mà giật mình thon thót vì thấy có bạn ở trong đó. Cảm giác “giật mình thon thót” là một cảm giác rất thú vị vì nó phản ánh rằng bạn cảm thấy có lỗi/bị sai trong tình huống tương tự mà bạn đã dính líu =)).

– Chứng minh rằng “Tôi Quan Trọng”/ Đi tìm sự công nhận từ bên ngoài: Việc chứng minh rằng “Tôi Quan Trọng” trong trạng thái “Tôi không đủ tốt” thường dẫn đến nhiều “hậu quả” mà mất rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết. Thường bạn dễ bị dẫn dắt đến những việc hơi có chút kích thích bởi vì trạng thái kích thích này dễ khỏa lấp trong ngắn hạn cảm giác được công nhận.

2. KHÔNG GHI NHẬN, KHÔNG TIN VÀO NHỮNG GÌ ĐANG CÓ

– Biểu hiện của việc không ghi nhận những gì bạn đang có là bạn đang thấy chúng rất bình thường/ tầm thường đến mức bạn chẳng nhớ ra bạn đang có gì/ có giá trị gì. Nếu bạn liệt kê ra thì chắc ngoài mấy thứ vật chất như là mấy cái bằng cấp, nhà, xe ra, bạn chả có gì để kể nữa. Tại sao vậy, bởi vì những ai rất giàu giá trị tinh thần, tâm hồn rất ít khi rơi vào trạng thái này. Nhưng mình cũng gặp những người có thể liệt kê ra những gì họ có, gọn ghẽ như làm thống kê nhưng chẳng thấy họ hạnh phúc, vui vẻ, biết ơn với những cái họ đang có. Như vậy kể cả bạn đang có cực kỳ nhiều, bạn vẫn sẽ luôn trong trạng thái thiếu thốn.

– Bạn có thể đang ở trong một hoàn cảnh vô vùng tuyệt vời luôn, như là có bạn đời trong mơ, công việc trong mơ chẳng hạn, nhưng lại cảm thấy bản thân không xứng đáng, tự ti, cảm thấy không dám thể hiện bản thân, vì sợ người ta sẽ nhìn ra được khuyết điểm của bạn và rời bỏ bạn. Hoặc bạn cũng sẽ lo sợ người ta gặp được ai khác tốt hơn, hay ho hơn và sẽ rời bỏ bạn.

– Bạn không dễ đón nhận những lời khen ngợi. Thường bạn sẽ ở trạng thái phòng thủ, nghi hoặc “Không biết người ta có ý đồ gì khi họ khen mình không”. Đôi khi, ở một thái cực ngược lại, bạn lại quá phấn khích với lời khen, giống như một phát bay lên mây và bay xa vạn dặm luôn, giống như cả thiên niên kỷ rồi chưa bao giờ có ai khen bạn như vậy và bạn chưa bao giờ tự thấy bạn đáng được khen như vậy.

CHÚ Ý: BẠN RẤT DỄ BỊ KÍCH THÍCH NHỮNG TRẠNG THÁI TRÊN KHI BẠN Ở TRONG MỘT MÔI TRƯỜNG MÀ ĐỐI PHƯƠNG HÀNH XỬ THEO CÁCH CỰC KỲ KÍCH THÍCH BẠN. NHƯNG CÓ NHIỀU TRƯỜNG HỢP HỌ CHẲNG LÀM GÌ TỆ VỚI BẠN CẢ VÀ MỌI THỨ CHỈ DIỄN BIẾN TRONG ĐẦU BẠN.

Nếu bạn nhận thấy bạn đang thường xuyên ở trong trạng thái tâm lý và có những phản ứng như trên thì hãy bắt tay vào thay đổi, bởi vì nó là một trong những thứ “có sức ăn tàn phá hại nhất” trong cuộc đời của một con người. Đểu vãi là từ mối quan hệ bất ổn của bạn với chính bạn, nó sẽ tiến đến phá hoại những thứ quan trọng với bạn – khi chúng bắt đầu mon men đi vào cái vòng thân mật, an toàn của bạn, như là các mối quan hệ với người thân trong gia đình; người yêu, bạn đời, bạn bè thân thiết.

Nếu bạn nhận thấy rằng bạn đang vô thức tạo ra một môi trường như vậy cho người khác thì cũng hãy sớm thay đổi; vì họ và vì chính bạn nữa. Khả năng cực cao là nếu bạn bước vào một môi trường như vậy do ai khác tạo ra, bạn cũng sẽ quằn quại y hệt. ^^

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *